Nobrain (ngu) thì học tiếng Anh từ đầu thế nào

Mình học tiếng Anh từ khi là một thằng ngu tiếng Anh thế nào? Phân thời gian kiểu gì cho hợp lí? Mình xin giải đáp ở bài này.

Định viết các bài kia rồi nhưng mà mình thấy chưa ok lắm. Nên quyết định sắp xếp thành 1 guide cụ thể thế này cho tiện. Tài liệu mình đang tổng hợp rồi up lên tại đây.

Mình khuyên các bạn nên xác định mục tiêu cụ thể học tiếng Anh để làm gì đã vì sau khi học ban đầu, các bạn sẽ thấy là nó rất Khó, phải đầu tư rất nhiều vào cả 4 kỹ năng chứ không như Toeic hay mấy cái tiếng Anh mình học ở trường hồi trước.

Mình cũng xin f*ck mấy thằng cứ bảo là thất tình thì đi học tiếng Anh, không có kết quả gì cả đâu. Học tiếng Anh không thể dựa trên cảm hứng được đâu.

Vì vậy rất nhiều các bạn sẽ chán nản và từ bỏ, nghe tưởng chừng như rất khó vì chắc các bạn đang xuất phát điểm ở con số 0. Mình muốn mọi người hiểu được rằng học Ielts không có đường tắt, chỉ có luôn nghĩ đến mục tiêu mà kiên trì hằng ngày thì mới đạt được mà thôi.

Nói đến đây có nhiều bạn sẽ bảo, mày thi xong rồi thì mày muốn nói gì mà chả được :)) Sh!t. Giống mấy thằng thủ khoa thi đại học, thi xong bảo chỉ học trong sách giáo khoa, ngày học có vài tiếng. Mình cam đoan là bọn ấy nói láo -_- bạn mình là thủ khoa đại học nên mình biết mặc dù nó ôn thi lại nhưng nó học ngày học đêm chứ ko phải chỉ học vài tiếng, tất nhiên người ta đổ lỗi cho thông minh, thông minh chỉ là 1 phần, thông minh mà ko biết rèn giũa nó thì cũng như khôngJ) Ngoài lề 1 chút, có 1 câu mình đọc được rất hay là :v

“Thủ khoa Việt Nam thì luôn nói học ít chơi nhiều, chỉ cần học trong SGK , còn thủ khoa các trường đại học danh tiếng thế giới thì luôn nói họ làm việc hăng say ngày đêm để đạt đến thành công”

Tình hình trình độ ban đầu ngu thế nào?

Lúc mình bắt đầu chú ý tới học tiếng Anh thì cũng là lúc mình bị gia đình đột ngột quyết định cho đi du học mà thực ra là chị mình quyết định là chính. Bà chị gái đang ở Úc bắt phải thi được 6.5 thì sẽ cho đi du học.

Ban đầu mình không định đi du học gì cả mà định học xong chỉ ở Việt Nam làm việc. Nên quyết dịdnh di du học dẫn tới việc mình chưa chuẩn bị gì về tiếng Anh hết.

Lúc đó mình mới bắt đầu tìm hiểu về tiếng Anh với lị IELTS. Và mình thử làm bài TOEIC trước vì mọi người xui TOEIC đổi sang IELTS được (sau mới thấy bọn bạn ngu xui láo). Kết quả thảm hại mà khong dám kể. Nhưng bạn cứ tưởng tượng là đến mấy bài dễ dễ đầu tiên mà mình không thể nghe hay hiểu gì cả. Thật là khủng khiếp.

Sau đó thì mình bắt đầu học nhưng vẫn cứ thấy rối và cảm thấy không hiểu và học không có định hướng. Cách mà mình học đó là theo mấy cái hướng dẫn IELTS với giao tiếp trên mạng.

Cảm nhận sau khi hoàn thành được tiếng Anh

Rất sướng.

Lúc mình đạt điểm IELTS là mình báo ngay cho mọi người và cảm giác muốn la hét lên ấy. Điểm số đạt được là những gì mà mình trải qua và nó là điểm số thực sự phản ánh khả năng của mình. Và mình cũng khá tự tin với tiếng Anh hiện tại và trong quá trình chuẩn bị cho du học mình cũng thấy có tiếng Anh chủ động hơn rất nhiều trong hồ sơ.

Thời gian này mình cũng có đi làm và thấy tiếng Anh của mình cũng thực sự lên trình và lí do có lẽ là mình thực sự học tiếng Anh một cách thực sự như thầy mình vẫn bảo.

Một trong những vấn đề của bọn học IELTS đó là không sử dụng được sau này, và mình tuy điểm có thể thấp hơn họ nhưng lại tự tin hơn nhiều.

Cái cảm giác nó sướng lắm các bạn ợ.

Nhưng bạn nên cần tìm một người dẫn đường tốt.

Tìm nguồn cảm hứng và phương pháp học hiệu quả

Mình nhắc lại như ở trên, cảm hứng không là lí do để học tiếng Anh thành công đâu. Các bạn nên tắt ngay mấy cái bài viết về cảm hứng mà bạn đọc trên mạng. Đừng tin chúng nó lừa đấy.

Hồi mình học, ban đầu mình cũng dựa rất nhiều vào cảm hứng. Cái yếu tố cảm hứng ấy mình nghĩ là nó quan trọng lắm. Nhưng chỉ duy trì cảm hứng được vài ngày thôi chứ đâu có kéo dài được lâu. Kết quả, hết cảm hứng là chẳng thèm sờ vào sách vở nữa.

Mình đi hỏi mấy đứa bạn thì nó bảo vấn đề là ở phương pháp và kiên trì chứ không phải là cảm hứng đâu. Mình nhìn nhận lại thì thấy hồi ôn thi đại học, cũng không phải do cảm hứng mà là do bị bắt ép và mình học ngày đêm mới được.

Theo mình thay vì tìm cảm hứng ở các bài viết kiểu: tôi chán tự nhiên đi học tiếng Anh thế là giỏi. Toàn bốc phét ăn vạ hết. Thay vì thế, đi tìm phương pháp học phù hợp ấy.

Đợt bắt đầu vào học lại tử tế, mình mất khoảng 2 tháng vất đi vì không học cẩn thận, trong khi các phương pháp kiểu IELTS 8.0 sau 1 năm thì thực sự là chỉ tạo ra cảm hứng chứ không thể phù hợp với mình. Nó khiến mình như thấy sợ tiếng Anh vì học mà không vào. Cảm giác mình ngu vãi chưởng.

Cũng khá may vì đợt đó con bạn nó đi sự kiện ở đâu ấy, nó lấy được cuốn sách tên hình như là Lên đỉnh tiếng Anh và IELTS. Mình thấy phù hợp nhất với cái kiểu học vừa tự kỉ vừa có team. Nhưng khó nhất là tìm team thế nào. Cái này bạn cũng phải có cách làm cụ thể. Thêm nữa là mình cũng có chơi game nên mình cũng tìm cách học tiếng Anh qua game nữa. Cái này tí mình nói thêm ở dưới.

Quay lại cái quyển sách kia, các bạn google nhé. Quyển đấy mình đọc cũng kĩ vì họ chia ra 4 phương pháp theo 4 đối tượng với khả năng với sở thích khác nhau. Mình thấy mình giống 2 trong 4 đối tượng đấy nên mình mới chọn học vừa tự kỉ vừa team. Kĩ năng tự kỉ tốt nhất chắc là Đọc với Nghe, học từ vựng và ngữ pháp nữa. Còn học phát âm với nói thì mình học theo Team. Kĩ năng Viết thì mình không tự học được nên đi học.

Vì mỗi người mỗi phong cách nên các bạn tìm quyển Lên đỉnh kia để xem mình hợp với phương pháp nào nhé. Mình chỉ chia sẻ về cách học và khung thời gian của mình thôi.

Cách phân chia thời gian

Phân thời gian thì phụ thuộc vào bạn, mình chỉ lưu ý là:

Mỗi ngày nên học 2 kĩ năng cho đỡ chán.

Học ít nhất là phải 1 giờ. Mình đọc ở đâu đấy là 20 phút đầu là không tiếp thu, 40 phút sau mới tiếp thu tốt được. Và học 1 giờ mới nghỉ break.

Học phải ngồi liên tục chứ cứ 30 phút rồi thôi thì khó tập trung vào lắm.

Hôm nay học 2 kĩ năng này thì mai học 2 kĩ năng khác.

Các kĩ năng cần học gồm: Reading, Listening, Speaking, Phát âm, Grammar, Từ vựng

Phát âm thì tốt nhất nên học hàng ngày, mỗi ngày 15 phút thôi. Cách học ở dưới nha.

Speaking thì cũng nên học hàng ngày, tự học 1 mình trong 10 15 phút. Học nhóm thì mỗi tuần học 1 2 buổi thôi vì khó xếp lịch theo team.

Các mốc thời gian học cụ thể

Mốc 1: 2 – 3 tháng đầu

2 tháng này là 2 tháng đáng chán nhất vì toàn học mấy cái cơ bản vãi chưởng.

2 tháng này tập trung vào học Phát âm + Từ vựng + Ngữ Pháp. Các kĩ năng khác học nhẹ nhàng thôi.

Từ vựng:

Mình dành ra khoảng 2 buổi trong tuần, cày thật nhiều từ vựng từ quyển Vocabulary in Use.

Lúc cày quyển này thì càng nhiều từ càng tốt, không cần chú trọng vào việc dùng nó mà chỉ biết mặt chữ là được vì quyển này cũng ở trình độ cơ bản chứ không phải quyển nâng cao.

Nhưng mà các bạn chú ý là ghi chép lại cẩn thận nhé, chép cả cái phiên âm của nó nữa đấy.

Phát âm và nghe:

Mình luyện phát âm trong 1 tháng đầu rất cẩn thận. Mỗi ngày đều dành 15 phút luyện tập. Tài liệu mình sử dụng thì là quyển Pronunciation in Use, quyển Elementary thôi là đủ rồi. Mình thấy cũng rất chi tiết mà học mỗi bài rất nhanh. Chắc tầm 15 – 20 phút mỗi ngày thì tầm 1 tháng là học xong. Chủ yếu là bạn nắm được cách đọc chứ mình nghĩ không tin được là sẽ phát âm chuẩn ngay được đâu. Cũng mất thời gian đấy.

Quan trọng nhất là học phát âm xong thì nên học nghe.

Mình quyết định học vào buổi sáng vì cảm giác lúc đó mình nghe là vào đầu nhất. Mình dành tầm 30 phút để học mỗi ngày thôi.

15 phút đầu là mình nghe để nắm ý chính và cố ghi xuống cái gì nghe được thì ghi. Hồi đầu thì nản vì toàn giấy trăng thôi.15 phút sau đó thì mình nghe các bài này theo kiểu chép chính tả để nhằm hiểu rõ hơn.Ngày nào cũng học kiểu đó và đến cuối tuần thì mình nghe lại hết các bài nghe trong tuần để nắm nội dung chính. Tổng thời gian nghe khoảng 1 giờ. Rồi lấy bản chép chính tả xem nội dung mình nắm là bao nhiêu, có điều chú ý một chút là vì mình kết hợp học phát âm nữa, thế nên là khi học thì các bạn chú ý là phải nghe và để ý các âm đã học và vừa mới học nữa nhé. Mình dùng nguồn là Spotlight English nên họ đọc chậm, nghe được phát âm cực kỳ rõ luôn.
Nguồn nghe thì nên ngắn thôi. Tầm 2 tới 5 phút là đủ dùng để chép chính tả. Và tốc độ nghe cũng phải tăng dần dần chứ không nhanh ngay được.
Mình sử dụng phương pháp này trong khoảng giai đoạn đầu mất tầm 2 3 tháng. Nguồn chủ yếu là trang spotlight thôi vì nó nói chậm lại có script để mình check rất tiện.
Bạn nên dùng Gom Player hoặc VLC để nghe gọi là chế độ A-B nhé. Và nhớ là mỗi đoạn AB nên dài chừng 10 tới 15 giây thôi là đuợc rồi.

Ngữ Pháp:

Mình tập trung rất nhiều vào việc làm đi làm lại mất quyển sách ngữ pháp, trong đó mình làm nhiều nhất là quyển Grammar In Use. Quyển này tập trung rõ ràng các đề mục nên mình ôn lại cũng rất có hệ thống, tác giả giải thích cũng dễ hiểu, nhưng mình cảm thấy nhiều chỗ khó hiểu.  Lí do là vì họ giải thích bằng tiếng Anh. Về sau mình phải ra hiệu sách kiếm mua quyển song ngữ, giải thích bằng tiếng Việt rõ ràng. Điểm khó nữa là sách cũng không giải thích rõ là đáp án đó tại sao đúng tại sao sai. Cái này cũng gây khó khăn cho mình trong giai đoạn đầu, nên rất cần kiên nhẫn. Sau đấy nếu thích học thêm thì ở đây mình có cập nhật thêm rồi.

Mốc 2: 3 tháng tiếp theo

3 tháng tiếp theo này thì mình học chuẩn bị để học ôn IELTS nên có thể hơi nghiêng về IELTS, nhưng mà vì mình xác định ngay từ đầu là sẽ học để sau còn dùng nữa. Mình gợi ý ở đây thì các bạn tham khảo xem thế nào nhé.

3 tháng này thì bắt đầu học vào các kĩ năng ứng dụng rồi gồm Nghe – Nói – Đọc rồi.

Nghe:

Tầm này thì mình học gồm cả nghe tăng kĩ năng nghe hiểu và nghe để sử dụng nữa

Mình bố trí thời gian cho 2 phương pháp là chép chính tả (tầm 1 tháng thôI) và sau đó là nghe theo các tài liệu khác gồm Phim giải trí và Phim tài liệu …

Để chép chính tả hỗ trợ tự học nghe tiếng Anh hiệu quả nhất thì bạn nên làm thế này trong 15 phút.

  • sau khi nghe rồi ghi lại thông tin thì mới chuyển sang chép chính tả
  • nghe và chép lại tất cả từ bạn bắt được. Chỉ từ nào bắt đc thì chép. Các từ cách nhau ra xa tí.
  • nghe lại đúng đoạn đó chép tiếp chỗ trống. Làm lần lượt thế tới khi bạn bắt được 60% trở lên là ok. Chỉ bỏ qua các từ mà là từ mới bạn không nắm được và từ nào đoán được thì cũng đưa vào bài chép

Học nghe để sử dụng hàng ngày theo phim: Mình dùng các phim có nhiều yếu tố hành động như là phim tài liệu. Một bộ mình gợi ý cho bạn là bộ How it made. Bên cạnh đấy thì mình xem một số phim hành động nhưng nhiều lời thoại.

Sau đó mình xem phim rồi tới một đoạn nào mình cảm thấy họ sẽ có nhiều đối thoại là mình sẽ ngừng, tắt phụ đề và xem không phụ đề. Sau đó mình take note lại những nội dung mà mình nghĩ họ đã trao đổi, một số từ khoá mà mình nghe được.

Cuối cùng mình sẽ xem lại đoạn đó rồi bật phụ đề để kiểm chứng lại (thường dùng phụ đề tiếng Việt thôi)

Cái khó khăn của việc học qua phim thế này chủ yếu là mình sẽ bị cuốn vào phim mà quên mất, nên các bạn có thể đặt giấy note hoặc kiểu báo thức nào đó để mình không bị cuốn quá sâu vào như thế là được ấy mà.

Còn lợi ích lớn nhất là mình học được nhiều từ vựng rất hiệu quả để có thể sử dụng sau này rất tốt.

Đọc:

Ban đầu mình mất gốc nên mình chọn đọc các bài ngắn, đồng thời làm các bài tập nâng cao vốn từ tiếng Anh ở trang này:

http://esl.about.com/od/beginnerreadingskills/

Cái trang này cũng khá là hay vì nó có kèm theo bài tập phát triển từ vựng tiếng Anh, đồng thời có khá nhiều bài giới thiệu về các chủ đề, cụm từ, câu dẫn trong văn học Anh.

Học cũng khá là nhanh, mình học chắc khoảng trong 1 tháng đầu thôi.

Các bạn cũng có thể tìm bài học phù hợp hơn ở bài này nhé.

Sau một thời gian thì mình tập trung vào ôn theo các bài đọc trên 2 trang này. Mỗi ngày đọc khoảng 1,2 bài gì đó thôi là trình độ cũng lên kha khá. Nhưng các bạn chú ý là ôn tập từ vựng thường xuyên và đọc xong khoảng 3 4 ngày thì mình viết về chủ đề đó, cố gắng dùng các từ trong đó nhưng không được chép lại. Lúc này viết cũng chẳng ăn thua vì không có ai chữa nên viết chủ yếu để học từ vựng.

http://www.esl-lounge.com/student/reading-pre-intermediate.php

http://www.esl-lounge.com/level2readwrite.php

Nói:

Tầm này là phải nói rồi, phải tập nói 1 mình và nói với cả team mới tốt nữa.

Nói 1 mình là rất quan trọng vì bạn khó mà tìm người nói với mình hàng ngày được. Mà nói 1 mình có cái hay là tự chữa và tập trung được để hiểu mình đang đúng hay sai gì. Nói với nhóm nhiều khi mất tập trung lắm.

Thứ nhất là học ngôn ngữ vì vậy bắt buộc các bạn phải chăm chỉ hàng ngày, chỉ cần 1 tuần bạn ko nói tiếng anh thì sau đó khi nói lại sẽ bị cứng miệng rất khó nói, mà tư duy tiếng anh nó cũng ko như trước, vì thế mỗi ngày các bạn đều dành thời gian cho speaking mỗi ngày, nói mọi lúc mọi nơi, mình thì thường luyện nói khi đang đi học, cứ cắm 1 cái tai nghe vào tai nhưng không bật gì cả, để người ngoài nhìn vào thì tưởng mình đang lẩm nhẩm theo lời nhạc, để cho các bạn tự nhiên hơn khi nói tiếng anh 1 mình mà ko sợ ng khác kì thị :v

Cứ nói đi, nói bất cứ thứ gì mà bạn thấy. Khi gặp 1 chuyện gì đó mà mình không thể nghĩ ra đúng chính xác từ vựng để mô tả nó, hãy bỏ qua đừng dừng lại, chọn cách khác mô tả nó, đừng để ngắt quãng. Ví dụ như khi nói về hôn nhân vấn đề ly hôn thay vì nghĩ ra từ “divorce” mình thường nghĩ cách diễn đạt khác như “say goodbye” or “breakup “ rồi dùng những từ khác chuyển đổi diễn đạt theo ý mình muốn nói.

Mình luyện speaking và listening cùng với nhau 1 lúc thông qua phương pháp Shadowing, bật video mình thích lên vừa nghe vừa nhại lại, họ nói đến đâu mình bắt chước nói theo đến đấy, tập dần là sẽ học được ngữ điệu lên xuống. Chủ yếu là mình nghe và shadowing theo phim ở trên luôn, Mình vẫn đang tập hàng ngày đây.

Còn về học nhóm Speaking thì mình có may mắn tìm được một nhóm. Đợt đó mình chuẩn bị ôn IELTS rồi, nên cũng tìm được một nhóm học speaking với nhau. Nhóm đấy là câu lạc bộ nói tiếng Anh nhỏ, tổ chức ở một trung tâm gần trường mình. Các bạn này nói tốt mà có cái hay là bạn chủ nhiệm câu lạc bộ có nhận xét về kĩ năng nói của từng thành viên vào cuối giờ. Các chủ đề của bên CLB thì cũng đa dạng, từ hàng ngày, nhiều cái khá vớ vẩn kiểu nói về quê nhà với sex các thứ, rồi có cả mấy cái khá serious như là chính sách này nọ. Được cái vui với cả cũng khuyến khích nhau nói.

Điều quan trọng mình thấy học nhóm là mình phải chịu nói, mà chưa kể là các thành viên cũng phải tự xác định là không được buột miệng nói tiếng Việt nữa.

Nói chung mình dành khoảng 1 2 giờ vào cuối tuần. 2 tuần mình đi 1 lần chứ chủ yếu vẫn học 1 mình thôi.

Sau mốc này là bạn đã học khoảng 5 – 6 tháng nghiêm túc rồi. Lúc này mình nghĩ các bạn cũng tương tự mình là có nền tảng, cũng tương đối tự tin hơn rồi.

Các bạn chỉ cần tham gia CLB hay kiếm ai nói tiếng Anh và đọc với nghe nhiều là tự lên thôi. Tầm này có thể coi là dùng tiếng Anh có phong cách rồi.

Nhưng mà nhớ là đừng học cái kiểu mất dạy là lên bờ hồ bắt Tây, xong rồi là làm phiền họ nhé. Lên đấy làm quen thì được chứ đừng xác định là họ giúp bạn tăng tiếng Anh đâu. Có phải job của họ đâu. Mình có thử tìm Tây để nói vài lần, các bạn tìm trong này nhé.

Sau đấy thì mình chuyển qua IELTS nên mình dừng ở đây nhé.

Vài lưu ý sau quá trình học tiếng Anh

Sau khi mình học tiếng Anh tới tầm dùng khá ổn và có nền tảng vững một tí. Tức là thuộc thành phần không còn ngu nữa ấy.

Mình có thể nói chuyện với Tây, lúc CLB lên bờ hồ tổ chức chơi trò chơi, mình cũng tự tin giới thiệu luật chơi cho họ. Có điều phát âm vẫn ngu nên phải nói mấy lần. Nhưng mà nhìn lại 6 tháng trước đó thì đúng là bước tiến lớn rồi. Tầm đó thì mình cũng đọc được báo cơ bản, tất nhiên các bài phức tạp hơn thì chưa, cần phải học kĩ năng Academic một chút của IELTS nữa.

Tóm lại, kinh nghiệm của mình là phải làm việc khoa học theo phương pháp phù hợp với chính bạn, và phải kiên trì theo nó trong vài tháng. Mình nghĩ có bạn sẽ học nhanh hơn (tầm 4 tháng) có phải lâu hơn chút, nhưng trung bình là từ 4 tới 6 tháng thôi là tự tin dùng tiếng Anh rồi.

Đây là thành quả sau đấy:

23467421_1721320784607130_2220094218965383757_o

One thought on “Nobrain (ngu) thì học tiếng Anh từ đầu thế nào

Add yours

Leave a comment

Start a Blog at WordPress.com.

Up ↑